Lịch sử Võ_hiệp

Thời sơ khai

Mặc dù cụm từ võ hiệp, với ý nghĩa là một thể loại văn học, mới xuất hiện gần đây nhưng những câu chuyện về nó đã có cách đây hơn 2000 năm. Võ hiệp có nguồn gốc từ những câu chuyện du hiệp từ những năm 300-200 TCN. Nhà triết học pháp gia Hàn Phi đã kể những câu chuyện du hiệp trong tác phẩm Hàn Phi Tử trong chương nói về 5 tầng lớp xã hội trong thời Xuân Thu. Những câu chuyện nổi tiếng gồm Chuyên Chư ám sát Ngô vương Liêu và đặc biệt là Kinh Kha ám sát Tần Thủy Hoàng. Trong quyển 86 trong Sử ký, Tư Mã Thiên đã liệt ra 5 sát thủ nổi tiếng (Tào Mạt, Chuyên Chư, Dự Nhượng, Nhiếp ChínhKinh Kha) trong thời Chiến Quốc[1], những người có nhiệm vụ ám sát những nhà chính trị hoặc những yếu nhân.

Những sát thủ này được gọi là thích khách. Họ thường cống hiến lòng trung thành và phục vụ cho những vị chúa hay quý tộc phong kiến, đổi lại họ được ban cho tiền bạc hay phụ nữ. Trong quyển 124 của Sử ký, Tư Mã Thiên đã khắc họa những nét sơ khai về thế giới võ hiệp trong thời đại của ông. Những nét này cũng được ghi lại trong những sử liệu như Hán thư hay Hậu Hán thư.

Những truyện hiệp khách chuyển mình trong thời Đường dưới dạng truyền kỳ. Những truyện trong thời kỳ này như Côn Luân Nô đóng vai trò là hình mẫu cho những tiểu thuyết võ hiệp hiện đại. Chúng mô tả những nhân vật chính kỳ lạ và cô độc, làm những việc anh hùng, dũng cảm.Vào thời Minh, La Quán TrungThi Nại Am viết Tam Quốc diễn nghĩaThủy hử, 2 trong số Tứ đại kỳ thư của văn học Trung Quốc. Tác phẩm đầu là truyện kể lịch sử được tiểu thuyết hóa nói về những sự kiện trong giai đoạn Hậu HánTam Quốc. Còn Thủy hử thường được xem như tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên: chân dung của 108 anh hùng cùng quan niệm về chính nghĩa và hành động sẵn sàng nổi loạn hơn là phục vụ cho một chính quyền thối nát, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn hóa giang hồ trong những thế kỷ sau. Tam Quốc diễn nghĩa cũng được xem là một tiền đề, chứa đựng những mô tả về cận chiến điển hình mà về sau được các tác giả võ hiệp sử dụng.

Vào thời Thanh, một bước tiến nữa là công án và những tiểu thuyết trinh thám trong đó những hiệp khách phối hợp với quan lại để phá án và đấu tranh chống bất công. Những truyện về Bao Thanh Thiên từ Tam Hiệp Ngũ Nghĩa (về sau được mở rộng và đặt lại thành Thất Hiệp Ngũ Nghĩa) và Tiểu Ngũ Nghĩa đã hình thành nên hình tượng về công lý cho những tiểu thuyết võ hiệp sau này. Những truyện hiệp nghĩa với hình tượng nữ hiệp cũng xuất hiện vào thời Thanh. Những tiểu thuyết như Thi Công kỳ án cũng được xem là những tiểu thuyết võ hiệp sơ khai.

Cụm từ võ hiệp dưới ý nghĩa một thể loại văn học xuất hiện vào cuối thời Thanh, một sự phỏng theo bukyo của Nhật Bản, một thể loại tiểu thuyết phiêu lưu ảnh hưởng bởi võ sĩ đạo. Cụm từ này được mang tới Trung Quốc bởi những nhà văn mong muốn Trung Quốc sẽ hiện đại hóa quân sự và chú trọng hơn vào võ đạo, và nhanh chóng gây chú ý khi nó liên quan tới hiệp nghĩa và những tiền đề khác của tiểu thuyết võ hiệp, trong khi dần phai nhạt ở chính Nhật Bản.

Nhiều tác phẩm võ hiệp ở thời Minh và Thanh đã thất lạc do sự cấm đoán của chính quyền. Những tác phẩm võ hiệp được cho là hình thành tư tưởng chống chính quyền dẫn tới những cuộc nổi dậy suốt những thời kỳ này. Sự tách rời khỏi văn học chính thống cũng có nghĩa là việc sáng tác bị hạn chế, dẫn tới sự đình trệ trong việc phát triển thể loại này. Nhưng dù sao đi nữa tiểu thuyết võ hiệp vẫn rất phổ biến trong tầng lớp bình dân.

Thế kỷ 20

Tiểu thuyết võ hiệp hiện đại trở nên nổi bật vào đầu thế kỷ 20 sau phong trào Ngũ Tứ vào năm 1919. Một thể loại văn học mới phát triển, được sáng tác để chống lại những giá trị Khổng giáo, và hiệp khách trở thành biểu tượng của tự do cá nhân, trái với tư tưởng Khổng giáo.Đầu thế kỷ 20 và giai đoạn 1960-1980 thường được xem là thời đại vàng son của tiểu thuyết võ hiệp. Hướng Khải Nhiên (bút danh Bình Giang Bất Tiếu Sinh) được xem là tác giả võ hiệp đáng chú ý đầu tiên với tác phẩm Giang hồ kỳ hiệp truyện, được xuất bản lần lượt từ 1921 tới 1928 và được chuyển thể thành bộ phim võ hiệp đầu tiên. Bắt đầu từ những năm 1930, những tác phẩm võ hiệp đã nảy nở và trung tâm của thể loại này dịch chuyển về Bắc KinhThiên Tân ở bắc Trung Quốc. 5 tác giả có sức sáng tác dồi dào nhất gọi là Bắc phái ngũ đại gia: Hoàn Châu Lâu chủ (viết Thục Sơn kiếm hiệp truyện), Bach Vũ (viết Thập nhị kim tiền tiêu), Vương Độ Lư (viết Hạc thiết ngũ bộ khúc), Trịnh Chứng Nhân (viết Ưng trảo vương), Châu Trinh Mộc (viết Thất sát bài).

Tiểu thuyết võ hiệp bị cấm tại nhiều thời điểm khác nhau suốt thời cộng sản và những cấm đoán này đã kìm hãm sự phát triển của thể loại. Dù vậy, việc sáng tác võ hiệp vẫn diễn ra ở những khu vực nói tiếng Hoa khác như Đài Loan hay Hồng Kông. Những tác giả như Lương Vũ Sinh hay Kim Dung đi đầu trong việc hình thành "tân phái" của thể loại, khác xa so với các tác phẩm lúc trước. Họ viết tiểu thuyết nhiều kỳ trên các báo và tạp chí. Họ cũng kết hợp nhiều bối cảnh tiểu thuyết như bí ẩn và lãng mạn từ các nền văn hóa khác. Ở Đài Loan, Ngọa Long Sinh, Gia Các Thanh Vân, Tư Mã LinhCổ Long trở thành những tác giả nổi tiếng nhất. Sau họ, những tác giả khác như Ôn Thụy AnHuỳnh Dị cũng rất nổi bật trong giai đoạn sau. Trần Vũ Tuệ (bút danh Trịnh Phong) là nữ tác giả đáng chú ý với tác phẩm đầu tay Thiên quan song hiệp.

Cũng có những tác phẩm được sáng tác sau những năm 1980 với ý định mở ra thời kỳ hậu võ hiệp.